Điều đầu tiên:
Xu hướng là bạn của chúng ta…
…ngoại trừ tại điểm cuối cùng khi nó đảo chiều !
Nếu bạn thành thạo trong việc đánh giá xu hướng thị trường và hiểu rõ từng hoàn cảnh của hành động giá thì bạn có vô số cách để giao dịch có lợi nhuận trên thị trường.
Xu hướng là gì ?
Xu là xu thế, hướng là hướng theo vì vậy xu hướng là hướng theo xu thế.
Xu hướng được hình thành như thế nào ?
- Xu hướng được hình thành từ sự dịch chuyển của giá.
- Giá được hình thành từ lượng cung cầu trên thị trường của nhà đầu tư.
Vậy yếu tố cội nguồn hình thành nên 1 xu hướng chính là lượng cung cầu của nhà đầu tư trên thị trường.
Lượng cung cầu trên thị trường luôn thay đổi, nên xu hướng của thị trường cũng vì vậy mà thay đổi theo. Xu hướng có thể mạnh lên, xu hướng có thể yếu đi hay xu hướng có thể bị phá vỡ đảo chiều hình thành 1 xu hướng mới.
Có bao nhiêu loại xu hướng?
Có 3 loại xu hướng cơ bản:
- Xu hướng tăng
- Xu hướng giảm
- Không xu hướng.
Trong bất kỳ một trend tăng hay giảm của thị trường thì nó cũng phải trải qua nhiều đợt sóng lên và xuống. Trong một trend tăng, chúng ta có những sóng tăng lớn hơn sóng giảm và ngược lại trong một trend giảm chúng ta có sóng giảm lớn hơn sóng tăng.
Thế nào là xu hướng mạnh?
Mình sẽ lấy ví dụ 1 xu hướng tăng để phân biệt cho các bạn thấy sự khác biệt giữa 1 xu hướng tăng và 1 xu hướng tăng mạnh.
Bạn có thể suy luận ngược lại đối với xu hướng giảm.
Trong 1 xu hướng tăng chúng ta có 2 thành phần chính là:
- Sóng tăng
- Sóng điều chỉnh (sóng giảm nhỏ)
Qua 2 hình ảnh phía trên, bạn có thể dễ dang nhận ra sóng B mạnh hơn hẳn sóng A.
Do vậy, xu hướng tăng của sóng B được coi là tăng mạnh hơn.
Lưu ý:
- Xu hướng A thường có độ tin cậy cao, bền hơn và dễ xử lý khi gãy xu hướng
- Hình B khá gấp rút nên thường xảy ra ở nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc siêu tăng trưởng.
Khi nào thì 1 xu hướng bị phá vỡ ?
Mình vẫn sẽ lấy ví dụ 1 xu hướng tăng để nói về vấn đề khi nào thì 1 xu hướng bị phá vỡ, các bạn có thể suy luận ngược lại đối với xu hướng giảm.
Với xu hướng bền vững như hình A
- Xu hướng tăng được cho là bị phá vỡ khi giá giảm đóng cửa dưới đáy (6).
- Vị trí này chính là điểm Stoploss cho chiến lược Buy theo xu hướng.
- Xu hướng tăng đã bị phá vỡ
Tuy nhiên xu hướng tăng bị phá vỡ không nghĩa là xu hướng giảm được hình thành !
Chúng ta là cần đứng ngoài và chờ đợi xu hướng giảm hình thành.
Với xu hướng tăng mạnh như hình B
Với hình (B) là xu hướng tăng mạnh nhưng độ tin cậy lại rất thấp.
- Khi giá giảm từ đỉnh (7) phá vỡ đáy (6) hay thậm chí là phá vỡ đáy (4), ta cũng không thể kết luận xu hướng tăng đã bị phá vỡ !
- Có thể thị trường xem giai đoạn từ (2) lên (7) chỉ là 1 sóng tăng trong xu hướng tăng và giai đoạn giá giảm từ đỉnh (7) đó được xem là sóng điều chỉnh.
- Lúc đó hình (B) rất có khả năng xảy ra như hình (B)’, và xu hướng chỉ được cho là bị phá vỡ khi giá đóng cửa dưới đáy (2)
Tại sao không nên giao dịch ngược xu hướng ?
Như đã nói ở trên, yếu tố cội nguồn để hình thành 1 xu hướng là lượng cung cầu trên thị trường.
Thị trường cũng như chiến trường vậy, ở nơi đó chia làm 2 mua bán đánh nhau rất quyết liệt.
Khi thị trường đang có xu hướng tăng, nghĩa là phe mua đang thắng thế so với phe bán hay nói cách khác phe mua đang đông hơn phe bán. Là 1 chiến binh ngoài cuộc, chuẩn bị tham gia vào cuộc chiến, mình nghĩ bạn biết rõ mình nên theo phe nào để dành phần thắng cao hơn.
Trừ khi bạn là Dillos trong bộ phim “300 chiến binh”…
….hình như sau trận chiến dù là người duy nhất sống sót nhưng ông vẫn bị chột một mắt.
Cách vẽ 1 xu hướng đúng
Thật tai hại nếu bạn xác định nhầm điểm xu hướng bị phá vỡ, hậu quả sau đó rất có thể là bạn sẽ đi ngược xu hướng thật của thị trường.
Để dễ dàng diễn đạt hết tất cả các ý, mình sẽ chỉ nói về xu hướng tăng, bạn có thể suy luận ngược lại cho xu hướng giảm.
Các khái niệm cần nắm
Xu hướng tăng: được hình thành khi có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước.
Vùng điều chỉnh: vùng giá có biên trên là đỉnh gần nhất trước đó và biên dưới là đáy gần nhất trước đó.
Sóng điều chỉnh: đường giá bắt nguồn từ đỉnh tiến về vùng điều chỉnh
“Lọt khe”
- Sóng điều chỉnh có giá đóng cửa nằm trong vùng điều chỉnh gọi là “Lọt khe”.
- Trường hợp giá không rơi vào và không đóng cửa trong vùng điều chỉnh gọi là “Không lọt khe”.
Khái niệm này rất quan trọng, nó là chìa khóa thành công của phương pháp giao dịch theo xu hướng này, bạn cần phải ghi nhớ thật kĩ.
Cách xác định đỉnh – đáy của 1 xu hướng tăng
Xác định đỉnh
- Đỉnh mới của xu hướng tăng được hình thành trong quá trình giá phá đỉnh cũ và có giá đóng cửa cao hơn giá cao nhất của đỉnh cũ.
- Đỉnh mới được công nhận khi và chỉ khi xuất hiện sóng điều chỉnh và sóng điều chỉnh phải có giá đóng cửa trong vùng điều chỉnh.
Xác định đáy
- Đáy mới của 1 xu hướng tăng được hình thành trong quá trình sóng điều chỉnh tiến vào vùng điều chỉnh và có giá đóng cửa nằm trong vùng điều chỉnh.
- Đáy mới (7) được công nhận khi giá phá đỉnh (6) và tiếp tục trong quá trình hình thành đỉnh mới (8),
- Đáy mới (7) là giá thấp nhất trong khoảng thời gian từ đỉnh (6) đến đỉnh (8).
Xu hướng ”lọt khe”
Dạng xu hướng “Lọt khe”
Đây là xu hướng tăng kinh điển và thường xuyên xảy ra.
- Giá đóng cửa trong các vùng điều chỉnh.
- Xu hướng tăng ở dạng này sẽ bị phá khi giá phá đáy gần nhất và đóng cửa dưới đáy đó.
- Bạn hãy lưu ý đây chỉ là xu hướng bị phá vỡ thôi nhé, không phải là đảo chiều xu hướng!
Dạng xu hướng “Không lọt khe”
Dạng này sẽ phức tạp hơn, vì xu hướng quá mạnh nên giá chưa kịp điều chỉnh về vùng điều chỉnh thì giá đã liên tục lập những đỉnh mới.
Tuy nhiên những đỉnh mới này không phải là đỉnh của xu hướng lớn ta đã xác định ban đầu mà nó là của xu hướng nhỏ trong xu hướng lớn.
Trong hình, bạn có thể thấy:
- sau khi phá đỉnh (II), giá không quay về vùng điều chỉnh của xu hướng lớn (màu xanh biển) mà cứ liên tục hình thành những mức giá cao hơn (4, 6, 8).
- Giá phá ngưỡng đáy (7), xu hướng tăng nhỏ bị phá nhưng xu hướng lớn vẫn chưa bị phá và thị trường vẫn được cho là có xu hướng tăng.
- Dạng xu hướng này khá phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn và thuần thục trong việc nhìn ra và vẽ xu hướng rất chính xác.
Có điều đáng lưu ý rằng, dù thế nào đi nữa thì giá luôn có thói quen và nhất định quay về vùng điều chỉnh khi thị trường có xu hướng, chỉ là ta không xác định được vào khi nào mà thôi.
Một số điều quan trọng cần nhớ về đường xu hướng
- Cần ít nhất 2 đáy hoặc 2 đỉnh để vẽ 1 đường xu hướng đúng nhưng nó cần đến 3 ĐIỂM để xác nhận 1 đường xu hướng
- Đường xu hướng càng dốc thì độ tin cậy càng thấp và khả năng bị phá vỡ càng cao.
- Cũng giống như mức hỗ trợ và kháng cự, đường xu hướng sẽ mạnh hơn nếu nó được chạm vào nhiều lần nhưng không phá vỡ
- Một điều quan trọng là KHÔNG BAO GIỜ cố gắng vẽ đường xu hướng cho “vừa vặn” với thị trường.
- Nếu đường xu hướng không phù hợp với thị trường thì nó đã bị sai, đừng cố gắng điều chỉnh cho nó vừa.