So với việc học các chỉ báo thì việc học các mô hình lại đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều, bởi vì mọi người thường có xu hướng ghi nhớ hình khối rất tốt.
Tuy nhiên có biết bao mô hình giá khác nhau, nên việc quan trọng là phải tìm được những mô hình giá nào phổ biến, hay xuất hiện, đem đến tín hiệu dự báo cao để nghiên cứu thật kỹ.
Mô hình giá là gì ?
Các nhà phân tích kỹ thuật thấy rằng, thị trường có xu hướng lặp lại lịch sử, và điều này thể hiện thông qua các mức giá của tài sản ở một khoảng thời gian xác định.
Bằng cách quan sát xu hướng giá, mức giá, khối lượng giao dịch,…của một tài sản, các nhà phân tích xây dựng các biểu đồ giá, hay còn gọi là các mẫu mô hình giá, để dự đoán xu hướng giá của tài sản trong tương lai.
Các loại mô hình giá trong phân tích kỹ thuật
Các mô hình giá điển hình được chia làm ba loại: mô hình giá đảo chiều, mô hình giá tiếp diễn và mô hình giá lưỡng tính (không rõ xu hướng).
Mô hình giá đảo chiều báo hiệu sự thay đổi xu hướng giá tài sản (ví dụ từ xu hướng tăng qua xu hướng giảm), mô hình giá tiếp diễn báo hiệu sự tiếp tục xu hướng hiện hữu. Trong mô hình giá lưỡng tính, giá có thể đi theo cả hai kịch bản tăng hoặc giảm.
Một số mô hình giá đảo chiều bao gồm:
- Mô hình hai đỉnh
- Mô hình hay đáy
- Mô hình đầu vai
Một số mô hình giá tiếp diễn bao gồm:
- Mô hình cờ/ cờ lệnh
- Mô hình nêm
- Mô hình tam giác
- Mô hình cốc và tay cầm
Một số mô hình giá lưỡng tính bao gồm:
- Mô hình tam giác tăng.
- Mô hình tam giác giảm.
- Mô hình tam giác cân.
3 mô hình giá đảo chiều cơ bản
Mô hình đầu vai (Head & Shoulders)
Mô hình đầu vai là kiểu mô hình có một đỉnh cao nhất (đầu) và hai đỉnh thấp hơn ở hai bên (hai vai). Trader quan sát vào đầu và vai trong mô hình để dự đoán đảo chiều từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm.
- Khi xu hướng tăng, mức giá sẽ lập đỉnh (vai trái), sau đó giảm và lập đỉnh cao hơn (đầu), sau đó lại giảm và lập đỉnh thấp hơn (vai phải).
- Khi mức giá phá vỡ đường cổ (đường neckline), lúc này mô hình hoàn thiện.
Thông thường, trader sẽ lập lệnh bán khi giá phá vỡ đường neckline.
Bạn cũng nên chú ý rằng không phải lúc nào các vai cũng bằng nhau, hay đường neckline luôn phải là đường thẳng.
Mô hình hai đỉnh (Double Tops)
Mô hình hai đỉnh cũng là một mô hình thường dùng để nhận ra xu hướng giảm. Thông thường, mức giá sẽ lập đỉnh, sau đó giảm xuống ngưỡng hỗ trợ và lại lập đỉnh mới lần nữa nhưng không vượt qua ngưỡng kháng cự và giảm dần đến khi phá vỡ đường neckline.
Trader dùng mô hình hai đỉnh để nhận ra sự đảo chiều và lập lệnh bán khi giá phá vỡ đường neckline.
Mô hình hai đáy (Double Bottoms)
Ngược lại với mô hình hai đỉnh, ta có thêm mô hình hai đáy.
Đây là mô hình báo hiệu sự đảo chiều, chuyển từ xu hướng giảm sang tăng.
Trader thường áp dụng mô hình hai đáy trong thị trường có xu hướng giảm, và độ chênh lệch 2 đáy không quá lớn.
Tương tự mô hình hai đỉnh, trader chỉ giao dịch khi giá phá vỡ đường neckline.
4 mô hình giá tiếp diễn
Mô hình đáy tròn (Rounding Bottom)
Mô hình đáy tròn có thể báo hiệu cho sự tiếp diễn về giá hoặc là một tín hiệu đảo chiều giá.
Lúc này, biểu đồ tạo hình dạng chữ U.
Thông thường, trader sẽ giao dịch mua khi mức giá ở giữa đáy, và bán ra một khi mức giá vượt ngưỡng kháng cự.
Mô hình cốc và tay cầm (Cup & Handle)
Mô hình cốc và tay cầm là mô hình xác định xu hướng tăng giá tiếp diễn.
Phần cốc có hình chữ U, tương tự mô hình đáy tròn và phần tay cầm có hình nêm. Sau khi hình thành phần đáy, mức giá sẽ giảm tạm thời (nằm trong 2 đường thẳng song song trên biểu đồ) để tạo phần tay cầm. Sau cùng, mức giá sẽ đảo chiều và tiếp tục xu hướng tăng giá.
Giống như mô hình đáy tròn, trader thường tham gia giao dịch mua vào lúc giá ở giữa đáy cốc. Khi mức giá hình thành xong tay cầm, trader có thể lập lệnh mua hoặc bán tùy vào vị thế mà họ muốn tham gia.
Mô hình nêm (Wedges)
Mô hình nêm cũng là một mô hình báo hiệu tiếp diễn xu hướng hoặc đôi khi đảo chiều. Mô hình nêm hình thành khi giao động giá thu hẹp dần, tạo điểm hội tụ.
Có hai loại bao gồm mô hình nêm tăng và nêm giảm. Loại mô hình này có thể xuất hiện ở hai xu hướng giá tăng và giảm, tuy nhiên khi xuất hiện mô hình này, giá sẽ phá vỡ hướng ngược với mô hình nêm.
Ví dụ, nếu mô hình nêm giảm, giá sẽ phá vỡ mô hình nêm giảm theo chiều tăng và ngược lại.
Hình minh họa: xu hướng giảm, mô hình nêm giảm, giá phá vỡ theo hướng tăng.
Mô hình cờ (Flag – Pennants)
Mô hình cờ hình thành khi giá trị tài sản chuyển động đi lên, và tiến đến hợp nhất.
Thông thường, ở giai đoạn đầu của xu hướng sẽ biến động mạnh, sau đó sẽ là một chuỗi biến động lên xuống với cường độ nhỏ dần.
Các trader thường kết hợp mô hình cờ cùng các chỉ báo kỹ thuật, ví dụ như Parabol SAR, mô hình nến,…để xác định tín hiệu mua -bán.
3 mô hình giá lưỡng tính
Mô hình tam giác tăng (Ascending triangles)
Mô hình tam giác tăng là mô hình chỉ báo xu hướng tăng tiếp diễn hoặc đảo chiều.
Mô hình cờ xuất hiện trong cả xu hướng tăng và xu hướng giảm, và là tín hiệu tiếp diễn xu hướng hoặc tín hiệu đảo chiều. Ở hình bên dưới là một xu hướng tiếp diễn tăng.
Bạn cũng nên chú ý là mô hình cờ trông rất giống mô hình nêm, nhưng mô hình nêm hẹp hơn mô hình cơ. Thêm vào đó, mô hình nêm sẽ hướng lên hoặc hướng xuống, còn mô hình cờ thì luôn theo trục ngang.
Mô hình tam giác giảm (descending triangles)
Ngược lại với mô hình tam giác tăng, ta có mô hình tam giác giảm thể hiện xu hướng giảm hoặc tiếp diễn đi xuống. Thường thì trader sẽ vào vị thế bán khống trong mô hình tam giác giảm, nhất là đối với các sản phẩm CFD, để thu lợi khi thị trường đi xuống.
Trong mô hình tam giác giảm, mức giá sẽ càng ngày càng đi xuống và phá vỡ ngưỡng hỗ trợ. Bạn có thể dễ dàng nhận biết mô hình này bằng đường hỗ trợ nằm ngang và đường kháng cự dốc xuống. Cuối cùng, xu hướng sẽ phá vỡ đường hỗ trợ và tiếp tục giảm dần.
Mô hình tam giác cân (Symmetrical Triangle)
Mô hình này là kiểu mô hình giá tích lũy, nghĩa là biến động giá ngày càng thu hẹp dần đến khi phá vỡ. Đây là một trong các mô hình giá thường gặp nhưng dễ nhầm lẫn, do đó bạn cần nắm là 1 tam giác cân đúng phải có các góc nghiêng bằng nhau, độ dài cạnh đều nhanh, mỗi cạnh phải có ít nhất 2 điểm tiếp xúc, và khối lượng giao dịch giảm dần.
Mô hình tam giác cân xuất hiện trong cả thị trường tăng và giảm, và thông thường sẽ tiếp diễn xu hướng hiện có. Tuy nhiên, đối với thị trường không có xu hướng rõ rệt,mô hình này có thể là dấu hiệu phá vỡ mức giá và xảy ra xu hướng theo bất kì chiều nào (mô hình hai chiều). Đối với các mô hình tam giác, trader thường sẽ cần dùng thêm các chỉ báo kỹ thuật (ví dụ Stochastic, RSI, MACD,…) để có thêm thông tin.
Mô hình sóng Elliott
Mô hình sóng Elliott là một trong những mô hình giá phổ biến, dựa vào lý thuyết là tâm lý đám đông trên thị trường khi giao dịch một tài sản sẽ có các pha đẩy giá (lập xu hướng), pha điều chỉnh (hồi xu hướng), và tạo nên các dải sóng.
Ở dạng cơ bản, một dải sóng Elliott gồm 8 sóng: 5 sóng đẩy cấp thấp và 3 sóng điều chỉnh cấp thấp, tạo nên một chu kì sóng (5 + 3). Các chu kì sóng sẽ tạo ra các chu kì khác nhau (ví dụ: điều chỉnh zigzag, mặt phẳng, đường chéo,…).
Để sử dụng mô hình sóng Elliott, trader cần học các quy tắc đếm sóng, từ đó xác định được xu hướng giá trong tương lai.
Chủ đề về Sóng Elliott và Fibonacci là một chủ đề chuyên sâu mình sẽ trình bày trong một bài viết khác.
Tổng kết
Tóm lại, các mô hình giá cung cấp cho trader nhiều thông tin về xu hướng trong tương lai của một tài sản và dự báo về các mức giá quan trọng hình thành trong tương lai.
Thông qua các mô hình giá phổ biến, bạn có thể nhận ra một tài sản có xu hướng tiếp diễn giá, hoặc đảo chiều và tìm được các điểm để đặt vị thế dễ dàng và chính xác hơn.